Thông báo

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 95


Hôm nayHôm nay : 7879

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 176923

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9193390

Liên kết

đồ phượt giá rẻ

Tính năng

dung cu co bac bip

Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Giấc mơ xanh thẳm phía chân trời

Thứ tư - 02/03/2016 01:59

Những cảm xúc khi tôi đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, xin viết đôi dòng chia sẻ cùng bạn đọc.

     Một chiều cuối thu, nắng vẫn còn vàng rực trên những con đường góc phố nơi tôi qua, biết bao con đường gắn tên các anh hùng dân tộc khắp dải đất hình chữ S thân yêu? Chầm chậm đi qua con phố nhỏ ấy, lòng chợt bâng khuâng da diết một cảm giác thật lạ - Con đường mang tên chị, người bác sĩ, chiến sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Vẫn còn đó trong tôi, trang nhật ký của chị dang dở giữa thời bom rơi lửa đạn, một thời oanh liệt, gian khổ, cam go nhất của đất nước trong sự giằng co quyết liệt tại mảnh đất Đức Phổ - Quảng Ngãi kiên cường. Tuổi đôi mươi, người con gái ấy đã mãi viết tiếp bản tráng hùng ca của dân tộc Việt Nam anh hùng.

 

Từng trang nhật ký của chị, bất kể ai khi đọc có lẽ đều giống tâm trạng như tôi: Cảm phục chị biết nhường nào! Những câu văn giản dị, khúc triết mang hơi thở của người con gái Hà Nội, một nữ sinh Chu Văn An còn nguyên vẹn từ trang đầu nhật ký: “Rừng chiều sau một cơn mưa, những chiếc lá cây xanh trong trước ánh nắng, mỏng manh xanh gầy như một cô gái cấm cung” (12.4.68) hay “Tháng bảy lại về với những cơn gió nam xào xạc thổi rung cây, từng buổi sớm mai dịu mát và từng đêm trăng êm ả giữa rừng”(3.07.68)(*), thiên nhiên trong những dòng chị viết gần gũi, đẹp nên thơ, cái vẻ đẹp lạ lùng ấy chỉ có tâm hồn đang phơi phới niềm tin, sức sống căng tràn, trái tim ngân lên những giai điệu tự hào khó lòng lay chuyển người chiến sĩ chiến đấu vì ngày mai tươi sáng của quê hương. Và biết bao hình ảnh giàu chất thơ cứ lai láng chảy như dòng sông mùa hạ dưới ngòi bút của chị “những buổi chiều như buổi chiều nay, nắng vàng yếu ớt đang xuyên qua khung cửa. Rừng cây im lặng… cái nóng bỏng của cuộc chiến đấu ngoài kia không về đến đây chăng?” (14.8.68), rồi có lúc ngưng đọng trong nỗi nhớ quê nhà “Giao thừa. Bốn năm rồi xa nhà, giao thừa lần thứ tư sống xa những người thân yêu. Hà Nội ơi! Đêm nay Hồ Gươm người và vai chen nhau, Tháp rùa vẫn rung rinh ánh điện” (06.02.70), chất chứa nỗi nhớ, chất chứa bao nỗi niềm mong một ngày sum họp trên quê hương miền Bắc - hậu phương lớn của miền Nam. Nhớ là thế, thương là thế nhưng kẻ thù còn đây, mảnh đất Đức Phổ vẫn ngày đêm bị bom cày xới, làng xóm ngập trong tiếng khóc than cảnh cha mất con, vợ mất chồng, máu thấm đỏ làng quê tiêu điều “Những con đường quen thuộc với những mương nước lầy lội, những bụi tre pháo bắn xác xơ ngọn ngay bên đường” (7.3.70), chị - người bác sĩ với hàng trăm ca thương binh nặng trong một tuyến trạm xá nhỏ nơi chiến trường khốc liệt làm sao yên lòng đây? Phải kiên cường bám trụ, phải làm việc hơn rất nhiều so với sức vóc nhỏ bé của chị, có hề chi, chị đã vượt lên tất cả để chữa lành vết thương cho đồng đội của mình, vậy mà có những lúc bất lực “Lần đầu tiên đào huyệt chôn một người đồng đội, những nhát cuốc của mình bổ xuống đá làm tóe lên những nỗi căm thù đang bốc cháy trong lòng mình” (29.03.70). Nỗi đau gỉ máu, sự căm thù trỗi dậy, tất cả đã đốt lửa cháy trong tim người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân như chị, tôi như nghe tiếng chị hát ru thương binh giữa sự gào thét của bom, của chết chóc, của chia ly để hơn một lần làm người chị, người mẹ, người em gái xoa dịu nỗi đau thể xác mà đồng đội phải gánh chịu. Và giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn, khốc liệt của chiến tranh, nơi “cái chết có thể sờ thấy được”(21.02.70), lời chị hát mang sức mạnh động viên to lớn vô cùng. Chị viết: “Cuộc sống quả là một bức tranh muôn màu sắc, mình như  một người họa sĩ mới ra trường đã bước ngay vào một thực tế phức tạp. Trước mắt mình là những ngọn núi trùng điệp, có những ngọn núi xanh lam với những dải mây trắng nương nhẹ bên sườn núi, có những ngọn núi lở loét vì vết bom đạn, màu đất đỏ nhức nhối đau thương…. Nắng gắt và cây khô vì chất độc... những dòng suối mát lạnh với những gốc cây nở hoa thơm ngát” (27.02.70). Quả thật nghị lực vượt qua gian khổ của con người có những lúc phi thường, sự lạc quan đã giúp chị có được những giây phút thật thảnh thơi “Giữa trận càn, bom pháo tới tấp xung quanh, ngồi dưới kẽ đá, mình cũng vẫn ghi nhật ký và viết thư” (26.02.69). Yêu biết mấy những người lính hiên ngang, bất khuất, kiên cường sống chẳng tiếc tuổi thanh xuân hiến dâng cuộc đời cho non sông sum họp một nhà “Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng” (4.6.69), chị đã sẵn sàng nếu một ngày nào đó trái tim đỏ máu ngừng đập “Mình đã tự nguyện dâng trọn tuổi xuân cho đất nước, dù có hy sinh, nào có gì là hối tiếc đâu” (22.2.70). Sự tàn khốc của cuộc chiến tranh đã làm cho chị không biết bao lần rơi lệ theo từng dòng chữ viết“Một loạt bom rơi đúng ngay phòng bệnh nhân giết chết một lúc năm người” (2.6.70). Nếu không có chiến tranh năm bệnh nhân ấy là những người chồng, người cha tuyệt vời của những mái ấm gia đình líu lo tiếng con thơ học bài, người mẹ trẻ ầu ơ giai điệu quê hương. Chiến tranh, thật tàn ác đã cướp đi tất cả!

Trang nhật ký lắng đọng ở những dòng cuối cùng trước lúc chị hy sinh hai ngày - tất cả hiện lên là nỗi niềm nhớ mong hình ảnh thân thương với gia đình, với người mẹ, đau đáu trăn trở đến khắc khoải: “Những lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ” (20.6.70). Chiến tranh tàn nhẫn lấy đi của chị ước mong nhỏ nhoi, bình dị ấy, để rồi tiếng “Mẹ ơi” thầm gọi chỉ còn là âm thanh sắc nhọn vọng dội về từ núi non, từ bầu trời cao vời vợi cứa vào hư vô nghe đớn đau, òa tan nghẹn ngào.Chị đã mãi mãi nằm xuống sau một trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch: “Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bệnh binh. Ở bất cứ nước nào trên thế giới điều đó đều được gọi là Anh hùng” – Frederic Whitehust, người lính phía bên kia chiến tuyến, viết thư cho mẹ chị ngày 2.5.2005 đã thốt lên với lòng cảm mến và anh còn ghi đầy xúc động: “Tôi đã giữ cuốn nhật ký của chị ấy suốt ba lăm năm. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, điều này giống như  một giấc mơ và việc tìm ra gia đình cô khiến tôi bật khóc”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã vô cùng cảm phục người con gái Hà Nội ấy, trong tác phẩm “Có một con đường mòn trên biển Đông”nhà xuất bản Hà Nội 1995 ông viết: “Chị chỉ huy cái bệnh xá ấy, trụ bám đến gan lỳ, kỳ quặc suốt mấy năm trời trên vùng đất hẹp bị đánh nát nhừ như băm ấy… cho đến ngày chị hy sinh”.

 

Tôi đã đọc dòng nhật ký của chị vào những ngày thu thật đẹp. Tôi lật nhẹ từng trang sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” để cóp nhặt những phút giây lãng mạn, đầy chất nhân văn của chị như một lời nhắc nhở với chính mình: Dù cuộc sống có trải qua thăng trầm, khó khăn, vất vả đến đâu thì tình yêu giành cho màu sắc âm thanh của cuộc sống, yêu con người, yêu những khoảng trời đầy nắng ấm và bầu trời lấp lánh vì sao lung linh là một động lực cho người lính vượt qua bão  giông, chia sẻ sự vị tha bằng trái tim nhân hậu giữa cuộc đời. Nhà văn Vương Trí Nhàn viết: “Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi con người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính”.

 

Chị Trâm ơi,  mong chị hãy yên lòng, nơi đó - Đức Phổ hôm nay giữa vầng trăng rừng ngày nào vẫn nghe như có tiếng suối róc rách chảy qua ru những đồng đội của chị ngàn thu yên giấc, lá cây rừng xanh hơn, màu xanh hy vọng vào một giang sơn đổi mới, trường tồn, phồn vinh, hạnh phúc.

 

Và người mẹ của chị, tháng năm trôi qua, nước mắt mẹ mặn chát trôi ngược vào ký ức không thể xóa nhòa, không thể gọi thành tên. Nhưng xin mẹ hãy tin, trái ngọt mà chị Trâm mang về đang chín đỏ trên cành trong vườn nhân ái bao la của quê hương thanh bình. Dòng chị viết vẫn ngời sáng đến mai sau: “Danh dự là viên ngọc vô giá đừng để ai chà đạp lên đó cả, dù người đó là ai” (22.2.70).

 

 Hà Nội cuối thu, chùm hoa sữa nồng nàn còn vương trên áo nơi con đường đặt tên chị tôi đi qua, hoa ngát hương giữa những vòm lá như mang bao giấc mơ xanh thẳm về phía chân trời - Nơi ấy, có chị!

 

(*): Những đoạn trích và ngày tháng ghi nhật ký trong cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

                                                    Nguyễn Thị Kim Anh – Khoa Vô tuyến điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Phần mềm tác nghiệp

Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT GIA LỘC

 Địa chỉ: Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc