Thông báo

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 109

Máy chủ tìm kiếm : 93

Khách viếng thăm : 16


Hôm nayHôm nay : 6918

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 230599

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9247066

Liên kết

đồ phượt giá rẻ

Tính năng

dung cu co bac bip

Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Tình nguyện – Một kỷ niệm đẹp của thời sinh viên

Thứ hai - 07/03/2016 01:52
 Cuộc đời là những chuyến đi, là những trải nghiệm. Nhận thức được điều ấy, một sinh viên năm 3 như tôi luôn quý trọng từng khoảnh khắc được cống hiến cùng bạn bè dưới sự dẫn dắt của những thầy cô. Hôm nay, lại được tích góp thêm vào balô hành trang của mình một kỉ niệm của thời đại học, thầy trò chúng tôi được đến với mảnh đất hiếu học Hiệp Hòa - Bắc Giang (Trường THPT Hiệp Hòa 1) với công việc rất ý nghĩa: Tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh.

   Xe lăn bánh khỏi nơi phố thị ồn ào, mắt tôi nhắm nghiền cho tới lúc tôi cảm nhận được không khí trong mát, thoáng đãng khi xe đi qua những cánh đồng rau rộng mênh mông, với những quả đồi nhấp nhô, thấp thoáng bóng dáng thong thả của những chú ngựa bạch. Những điều đó đã làm tôi tò mò và thích thú.

   Vừa bước xuống xe, thầy trò chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp rất thân thiện từ phía Ban giám hiệu nhà trường, cùng với những ánh mắt e dè của các em học sinh. Chúng tôi được cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên kì cựu, tâm huyết giảng dạy môn Lịch sử tiếp đón, hỏi thăm. Cô nói chuyện với chúng tôi như nói chuyện với chính những thế hệ học sinh cũ của cô vậy, thoải mái, không khách sáo, câu lệ. Ấn tượng nhất trong tôi về cô có lẽ là nét mặt tự hào khi cô kể về các thế hệ học sinh ưu tú của mình. Xin phép cô, chúng tôi được đi tham quan trường trong thời gian các em học sinh đang chuẩn bị cho buổi tư vấn tuyển sinh cùng thầy Đặng Tiến Hưng, Bí thư Đoàn thanh niên nhà trường. Như một phản xạ sẵn có khi đã khoác trên mình màu áo xanh tình nguyện, chúng tôi nhanh chóng cùng giúp các em chuẩn bị sân khấu, các em học sinh đã dần dần không còn dè dặt với chúng tôi nữa, tôi coi đó là một thành công bước đầu.

   Buổi tư vấn tuyển sinh tại trường THPT Hiệp Hòa 1 ngoài sự có mặt của Học Viện KTQS, còn có các đơn vị khác như: Đại học Kinh Bắc, các bạn sinh viên là học sinh cũ của nhà trường đến từ các trường Ngoại Thương, Kiến Trúc, Sư Phạm,…. Lời giới thiệu đầu tiên mở đầu buổi tư vấn của thầy Tạ Ngọc Ánh có vẻ làm khá nhiều em học sinh tò mò về một trường quân đội đào tạo song song 2 hệ quân sự và dân sự. Chúng tôi nhanh chóng gửi tận tay các em học sinh những tờ rơi chứa các thông tin cơ bản, cần thiết về Học viện KTQS. Qua những câu hỏi của các em, cùng với sự xem xét kĩ lưỡng tờ rơi thông tin, tôi biết các em đang có sự quan tâm thực sự tới Học viện của mình. Tôi nhận được một lời tâm sự với nụ cưởi tủm tỉm: “Chị ơi, vào học hệ quân sự được miễn phí hoàn toàn phải không nhỉ? Em mà vào quân đội, bố mẹ em đỡ phải lo bao nhiêu tiền”. Song có những câu hỏi rất ngây thơ, ngộ nghĩnh như thế này: “Chị ơi, trường chị có tuyển học sinh dốt như em không ?”,” Trường chị có nhiều con gái xinh không ạ? ”, “Em lùn thế này thi được không chị?” “…”. Nhìn các em, tôi chợt nhận thấy hình ảnh của mình 3 năm trước: rụt rè, lo lắng, luôn muốn chọn cho mình những “bến đỗ an toàn”. Chúng tôi đứng rải rác ở hàng ghế luôn lắng nghe và sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các em, không chỉ là những thông tin về Học viện của mình mà còn cả những thông tin về các trường đại học khác. Dần dần khoảng cách giữa chúng tôi và các em ngắn lại.

   Tôi ý thức được rằng, trong tất cả các em học sinh, không phải ai cũng đủ khả năng để thi đỗ hệ quân sự của Học viện KTQS. Tôi luôn trả lời câu hỏi của các em theo hướng mở rằng mô hình đào tạo của Học viện luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên, một khi đã đăng kí thi vào Học viện, các em hoàn toàn yên tâm về cơ chế xét tuyển, các em có nhiều sự lựa chọn hơn rất nhiều so với các trường đại học khác. Như trong lời giới thiệu của thầy Tạ Ngọc Ánh có đề cập tới, nếu các em không đủ điểm trúng tuyển vào hệ quân sự, các em được xét tuyển sang các nguyện vọng bổ sung thuộc các chuyên ngành đào tạo của hệ dân sự gồm rất nhiều ngành hấp dẫn như: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Xây dựng cầu đường, Cơ khí chế tạo máy,... Mặc dù vẫn là nguyện vọng 1 nhưng các em có rất nhiều sự lựa chọn, đó chẳng phải là bến đỗ rất an toàn sao?

   Qua lời giới thiệu của các đơn vị khác, các em học sinh rất chăm chú theo dõi, tôi đoán rằng chắc hẳn các em đang phân vân giữa những lựa chọn, nơi sẽ giúp các em thực hiện ước mơ của mình.

   Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em đưa ra các câu hỏi của mình, nhà trường cùng các đơn vị đã phối hợp phân thành 3 nhóm ngành: Lực lượng vũ trang, Kinh tế, Kỹ thuật để các em có thể tự do đến đúng nơi mình đang hướng tới để được giải đáp thắc mắc. Ban đầu cũng chỉ một vài em còn ngại ngùng đến bàn về nhóm ngành Lực lượng vũ trang hỏi về cơ chế thi tuyển vào quân đội, nhưng dần dần cả 3 nhóm ngành đều được sự quan tâm của rất nhiều em học sinh. Được giao nhiệm vụ ghi lại những khoảnh khắc, tôi có dịp quan sát rõ hơn các em học sinh, khi các thắc mắc của các em được giải tỏa thì vẻ mặt hồ hởi lắm chạy ra truyền đạt lại với bạn bè ngay; có em đi tới nhóm ngành này không giải quyết được vấn đề lại chuyển sang nhóm ngành khác nhưng cũng có những bạn chỉ đứng đó nghe những thắc mắc của bạn mình và gật gù với những lời giải đáp. Rất nhiều quan tâm, thắc mắc từ phía các em được chúng tôi giúp đỡ, tôi thấy mình đang góp phần giúp các em định hướng rõ hơn tương lai mà các em đang mơ tới. Một điều đặc biệt nữa trong chuyến đi này là tôi cảm nhận rõ được sự yêu mến, tôn trọng của các em học sinh dành cho thầy trò chúng tôi nói chung và tôi nói riêng, các em xin được chụp chung với các anh chị sinh viên tình nguyện những tấm hình, hỏi tên tuổi và thông tin cá nhân của các anh chị, để biết đâu: “Nếu em thi đỗ đại học ra Hà Nội em sẽ liên lạc với anh chị”.

   Muốn làm nóng thêm không khí đang sôi sục với những thắc mắc “đổ bộ” từ phía các em học sinh, đáp trả lại sự cổ vũ rất nhiệt tình từ bạn đồng hành cũng như từ phía một nhóm đông các em học sinh, kèm theo lời giới thiệu với danh nghĩa là “Hoa khôi Học viện KTQS”, tôi đã đứng lên sân khấu, cầm mic mà không có nhạc, không kịch bản, không sự chuẩn bị… Tôi cũng không nhớ chính xác lúc ấy mình làm thế nào để có thể thu hút sự chú ý của các em đến như vậy, nhưng tôi khẳng định rằng những ngôn từ không được chuẩn bị trước ấy là những lời nói xuất phát từ trái tim. Tất cả ánh mắt của các em  nhìn vào tôi, lúc ấy tôi tự nhủ lòng rằng mình phải làm một điều gì đó để xứng đáng với sự mong đợi của các em từ một chị sinh viên Học viện KTQS. Thầy trò tôi hát không nhạc, mic lúc to lúc nhỏ nên chắc là nghe không hay, nhưng các em vẫn không ngớt lời: “Hát nữa đi chị ơi!!!” “Hát nữa đi thầy ơi”! Cảm giác lúc ấy thật là hạnh phúc các bạn ạ!

   Tạm biệt các thầy cô và các em, tạm biệt mảnh đất hiếu học Hiệp Hòa - Bắc Giang, thầy trò chúng tôi ra về với sự thỏa mãn, hân hoan. Sự thành công của chuyến đi làm chúng tôi không còn cảm thấy mệt mỏi khi vượt qua chặng đường xa đến đây. Chúng tôi thấy mình đã làm được một điều gì đó thật ý nghĩa, giúp cho các em, giúp cho nhà trường, giúp Học viện của chúng tôi trở thành cái nôi đào tạo nhân tài lớn cho đất nước. Qua trải nghiệm mới này, người chúng tôi muốn cảm ơn nhất là thầy Tạ Ngọc Ánh, thầy là người nhen nhóm ngọn lửa tình nguyện trong tôi từ ngày tôi bước chân vào Học viện, là cầu nối chúng tôi tới Trường THPT Hiệp Hòa 1. Chúng tôi cũng xin cảm ơn các thầy cô Trường THPT Hiệp Hòa 1 đã hết lòng giúp đỡ và tạo điều kiện giúp thầy trò chúng tôi có một buổi gặp gỡ và nói chuyện cùng các em học sinh thành công và đáng nhớ. Nếu có cơ hội, tôi hi vọng có sẽ dịp được quay lại mảnh đất hiếu học này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Phần mềm tác nghiệp

Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT GIA LỘC

 Địa chỉ: Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc