Thầy tôi không quen với cuộc sống phồn hoa !

 Đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11, tôi lại bồi hồi nhớ về thầy tôi. Những xúc cảm thật khó tả lại tràn về: kính trọng, cảm phục và cả xót xa.

    Điều đầu tiên mà tôi và cả đám học trò cấp ba năm ấy nhớ nhất có lẽ là khu vườn với đủ các loại hoa trái của gia đình thầy. Những ngày lễ tết, bọn tôi rất thích đến nhà thầy dù thầy không phải là thầy chủ nhiệm lớp và ở khá xa trường nơi chúng tôi học. Gia đình thầy tôi sống ở ven một quả núi, nhà thầy nhỏ nhưng vườn cây chạy ven theo sườn đồi thì rất rộng. Bây giờ, bảo tôi nhớ lại và tả xem nhà thầy như thế nào, trong đó có gì đặc biệt thì tôi chịu vì thú thực, mỗi lần nói là đến thăm thầy nhưng thực chất lũ học trò “nhất quỷ nhì ma” chúng tôi đến oanh tạc vườn cây trĩu quả của thầy là chính. Khi ấy, hầu hết các loại trái cây thường chỉ có theo mùa nhưng thầy tôi đã ươm, ghép được nhiều loại cây cho quả bốn mùa như cây cam đường, cây ổi găng, cây táo có những quả to dài tựa như trái táo đào bây giờ…  những thứ quả mà chúng tôi rất thích. Thầy không bao giờ dạy thêm nên sau mỗi giờ dạy là thầy về nhà, say mê tìm hiểu các giống cây trồng và lấy vạt đồi ven nhà làm nơi “thử nghiệm”. Trong suốt ba năm học cấp ba và cả những năm sau này có dịp về thăm thầy, các lứa quả trong vườn nhà thầy hầu như chúng tôi đều được thưởng thức.

 

 

    Thầy khá lặng lẽ và trầm tĩnh như môn thầy dạy: môn Giáo dục công dân. Chúng tôi luôn mong đợi đến giờ lên lớp của thầy. Thay vì ghi chép các định nghĩa: trung thực, thật thà, lý tưởng … thầy tôi thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện trích ra từ chính cuộc đời nhiều trải nghiệm và cũng lắm nhọc nhằn, cơ cực của thầy. Khi ấy những cụm từ đầy hoa mỹ như “phương pháp tích cực” chưa phổ biến như bây giờ nhưng quả thực, thầy tôi đã biến những kiến thức khô khan trong sách vở thành những điều hết sức giản dị và dễ hiểu. Những “chính kiến” rất “dở hơi” mà nhiều người lớn coi là “vớ vẩn” của chúng tôi khi ấy lại luôn được thầy để tâm, lắng nghe qua những tranh luận sôi nổi trong giờ học của thầy. Ngày đó, chúng tôi không đủ chú tâm để hiểu hết những chuyện thầy kể, chỉ nhớ là chuyện của thầy cũng hay, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc lắm, mà có lẽ sự “hay” nhất trong những giờ lên lớp của thầy là chúng tôi không phải chép bài đến “vẹt” cả ngón tay. Chúng tôi từng ước mong: giá mà một tuần có 5 tiết Giáo dục công dân! Nhưng sau này, khi đã trưởng thành, ngẫm nghĩ nhớ lại mỗi lời thầy giảng, tôi mới càng thấy thật thấm thía. Đến tận bây giờ tôi mới hiểu sau dáng hình còm cõi khắc khổ ấy là một trí tuệ mẫn tiệp, thông tuệ và đặc biệt ẩn sau lớp áo bạc màu của người lính (thầy tôi hay mặc chiếc áo bộ đội cũ) là một trái tim vị tha, nhân hậu.

    Hồi đó, những ngày lễ 20/11 hay ngày tết, “mốt” của chúng tôi là tặng thầy cô những vật dụng như quyển sổ, cái bút, bức tranh giấy gỗ đóng khung hoặc “sang” hơn là một chiếc áo sơ mi mà chất liệu nilon đến 90%. Nhưng khi đến thăm thầy thì không bao giờ chúng tôi mua gì cả, chúng tôi chỉ mang những gương mặt háo hức đến mà thôi. Thầy nói: “nhà thầy cái gì cũng có: có hoa, có quả, có cả thiên đường…, hơn nữa thầy lại không ăn được thịt nên cuộc sống chẳng tốn kém gì.” Ngày ấy đến thăm thầy chúng tôi thường chỉ thấy có mình thầy ở nhà. Mải ăn, mải nghịch, mải nô đùa chúng tôi vô tâm đến mức chẳng biết thầy có vợ con hay không. Mãi sau này tôi mới nghe thấy có người bạn của thầy kể cũng vì thầy sống đạm bạc và “khác người” quá nên cô đã đưa cả hai con vào Sài Gòn làm ăn và sống ly thân với thầy. Những năm sau đó, vì kinh doanh thất bát, cô đưa hai con trở về với thầy. Đúng lúc đó đơn vị cũ mà thầy đóng quân năm xưa đã tìm lại được hồ sơ của thầy. Thầy tôi được minh oan, thầy là một chiến sĩ dũng cảm, chứ không phải là thân phận một anh lính nhát gan đảo ngũ nữa. Thầy được công nhận là thương binh. Thầy được truy lĩnh một số tiền tạm khá lớn so với đồng lương hằng tháng của thầy.

    Thầy nghỉ hưu, cô và các con động viên thầy mua một căn nhà trên thị trấn để thuận lợi cho việc làm ăn, đi lại. Chiều lòng vợ và các con, thầy đồng ý. Năm ấy, trong số những học trò cấp ba của thầy, nhiều người đã là sinh viên năm cuối ở các trường đại học. Hội đồng hương thông báo: thầy nhắn khi nào về nhà thầy chơi, thầy khao nhà mới. Cả bọn đã lên kế hoạch đâu vào đấy nhưng kế hoạch ấy mãi mãi dở dang. Nhà cũ mua lại, chưa kịp ở, thầy tôi lên trên mái nhà buộc lại dây điện. Và thế là … Cả hội đồng hương chúng tôi hay tin đều nghẹn ngào thương xót trước sự ra đi đột ngột của thầy. Có lẽ thầy tôi không quen với cuộc sống phồn hoa!

    Giờ đây, khi đã trở thành một người nối nghiệp thầy, có những lúc đứng trước những cám dỗ, vụ lợi, tôi lại thoáng như thấy bóng dáng thầy tôi. Thầy đã sống một cuộc đời quá thanh bần và bình dị. Những bài học thầy dạy chúng tôi nghiệm ra như những chân lý mà thầy đã chắt giọt từ đời lính, đời thầy. Với tôi, thầy như một ông tiên đến với cuộc đời chỉ để gieo quả ngọt !

                                                                                           Nguyễn Thị Thanh Thủy – K13