Thầy là ánh sáng xanh của những vì sao giữa đời

 Nhìn thời gian đi qua từng ô cửa nhỏ mỗi sớm mai, bình minh của một ngày mới ùa vào làm tâm hồn mỗi con người như được sưởi ấm lên. Tờ lịch treo trên tường nhắc tôi tháng Mười rồi - tháng của những ký ức vuông tròn, đầy vơi trôi theo dòng suy tư  miên man; và rồi dòng suy tư ấy cuốn tôi vào hình ảnh của thầy – một người luôn hăng say, trăn trở tìm lời giải cho bao ước mơ nghiên cứu khoa học của lớp lớp thế hệ học viên, sinh viên dưới mái trường Học viện KTQS thân yêu – Thầy Trần Xuân Nam, một giáo viên tiêu biểu cho những cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục của Quân đội nước nhà. Cầm bút  lên và tôi viết, những dòng chữ cứ tuôn trào như một điều không thể dừng lại được trong cảm xúc của tôi. Cảm ơn thầy đã cho tôi một niềm tự hào sâu thẳm từ trái tim mình đến vậy.

    Thầy – chàng trai người gốc xứ Thanh sinh vào mùa thu năm 1971, quá trẻ trong ánh mắt ngưỡng mộ của chúng tôi với quân hàm Đại tá và nụ cười vô cùng thân thiện dù gặp thầy ở bất cứ nơi đâu. Năm 1988, người thanh niên ấy hãnh diện với bạn bè cùng trang lứa, trong bộ quân phục mới tinh theo bước quân hành chính thức trở thành học viên chuyên ngành Thông tin của mái trường giàu truyền thống Học viện KTQS. Nối tiếp sự nghiệp của cha và mẹ, anh miệt mài với từng trang vở, lắng nghe từng lời thầy trên bảng. Thu qua, đông tới, gió rét và bao khó khăn gian khổ, những buổi đêm dài hành quân rèn luyện dưới ánh trăng sao hay thao trường đổ giọt mồ hôi cũng chưa một lần làm nhụt chí anh – để rồi, anh vinh dự trở thành tân thủ khoa năm ấy, năm 1993. Cây non ngày nào giờ đã bắt đầu ra những bông hoa, nhựa sống căng tràn kết thành quả thơm hương vị ngọt ngào – anh xứng đáng với điều đó! Anh được giữ lại làm giáo viên của Học viện với sự ngưỡng mộ của bạn bè, ánh mắt niềm vui chứa chan của cha mẹ, thầy cô. Hành trình đi tìm và khám phá khoa học của thầy cứ như dòng sông miệt mài chảy, có những lúc nhanh lúc chậm nhưng phù sa bồi đắp cứ đầy dần trong niềm khao khát chinh phục đỉnh cao trí tuệ. Đất nước Úc với mùa hè biển xanh ngắt đón thầy tới học chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Sydney, sau hai năm học, cầm tấm bằng trên tay, thầy trở về Bộ môn Thông tin, Khoa Vô tuyến điện tử làm giảng viên và gắn bó nhiều năm trong môi trường này. Khi hỏi thầy về những điều ấn tượng trong công tác giảng dạy, NCKH, giọng thầy như trầm lại sẻ chia: “Đây là công việc đòi hỏi người làm phải có tinh thần yêu nghề, biết sáng tạo và nghiêm túc. Sáng tạo sẽ tìm ra được các giải pháp và công trình khoa học mang lại hiểu biết cho nhân loại và hiệu quả sản xuất. Nghiêm túc sẽ tạo ra các kỹ sư có chất lượng”, Chính phương châm sống: “Chủ động và nghiêm túc” của thầy đã giúp cho học sinh tự giác, tự tin và say mê học tập. Thầy truyền lửa tới các em học viên bằng tất cả tấm lòng, lương tâm của người giáo viên tất cả vì học sinh thân yêu”.Nhìn các em mỗi ngày một trưởng thành thầy không giấu nổi niềm xúc động. Với thầy, câu nói vui thường ngày là: “Không trò đố thầy làm nên”, thầy hiểu rằng mối quan hệ  “cộng sinh”  này là bình đẳng, cần được tôn trọng nhau và cùng giúp nhau thành công. Tất cả kiến thức gom góp, chắt chiu từ đất nước Mặt trời mọc từ năm 2000 – 2003 trong quá trình làm Tiến sĩ thầy mang về nước cùng với mùa thu lá đỏ, mùa xuân ngập tràn hoa anh đào, gửi trọn niềm tin vào thế hệ tương lai, truyền cho các em hơi thở của tri thức tiên tiến, phát triển phù hợp với khoa học hiện đại với mong ước rồi mai đây ngày càng có nhiều nhà khoa học tốt nghiệp Học viện có tên trên “Bản đồ khoa học” thế giới.

 

 

    Có phải vậy không mà những điều thầy giảng, những điều trò nghe đã tạo thành một bản nhạc gắn kết với nhau xuyên suốt bốn mùa trong năm ngân nga những giai điệu trong sáng, tha thiết đến vậy? Khoảng cách chỉ còn là tình cảm cha con, anh em thân thiết như một mái ấm gia đình, chính môi trường ấy đã tạo ra một sức hút kỳ lạ cho những học trò dưới mái trường này. Chỉ trong ít năm thôi, với 20 bài báo khoa học thầy viết được đăng trên các tạp chí khoa học xếp hạng quốc tế, chủ trì 2 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước, 1 đề tài nhánh Nghị định thư với Cộng hòa Pháp, 1 đề tài Cục nhà trường, 4 đề tài cấp Học viện cùng 2 cuốn  giáo trình do Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia in vẫn hàng ngày dùng cho các em học viên trên giảng đường đã góp một phần khẳng định sức lan tỏa trong trái tim của người thầy dành cho ngành, nghề, con đường mà thầy đã lựa chọn. Những năm nghiên cứu và giảng dạy môn học Thông tin nhiều kênh, Mạng thông tin, Xử lý tín hiệu, Kỹ thuật truyền số liệu, Mạng không dây, Kỹ thuật lưu lượng… thầy đã góp mặt ở hầu hết những buổi gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với học viên, sinh viên tọa đàm về cách học những môn học chuyên ngành sao cho cách tiếp cận sinh động, trực quan, dễ hiểu nhất. Đặc biệt là các chủ đề dành cho học viên, sinh viên nghiên cứu chuyên sâu trong đào tạo cao học, nghiên cứu sinh như Mô phỏng Matlab các hệ thống vô tuyến, kỹ thuật OFDM, CDMA và đi sâu theo hướng nghiên cứu Kỹ thuật xử lý tín hiệu không gian – thời gian và ứng dụng nó cho các hệ thống truyền dẫn vô tuyến di động…. cũng đã một phần giúp cho thầy nhìn nhận một cách sâu rộng, đa chiều, phong phú về ngành nghề thầy theo đuổi. Dù đảm nhận môn học nào, thầy cũng đầu tư tất cả công sức bằng sự nỗ lực cao nhất với mong muốn học viên, sinh viên có thể bước những bước đầu tiên tự tin, tự giác, nghiêm túc trong khoa học. Đồng thời, thầy cũng mong học trò của mình không nên cứng nhắc với kỹ thuật vì khoa học cũng có âm thanh, nhựa sống cựa mình bật ra những mầm xanh, chồi biếc đáng yêu lắm chứ!

 

    Tôi nhớ có lần gặp lại cô học trò cũ của thầy là Phạm Thị Mai Hương, cựu sinh viên lớp Điện tử viễn thông 8B, với điểm bảo vệ tốt nghiệp xuất sắc, bằng tốt nghiệp loại giỏi và  hiện được tuyển chọn vào Công ty M1 thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, với ánh mắt rạng ngời đầy niềm tin tuổi đôi mươi khi nói về thầy: “Được học thầy Nam là vinh dự với tất cả chúng em, chúng em không những  được học ở thầy kiến thức mà còn cả kỹ năng cuộc sống”. Rồi giấu nụ cười duyên, cô bé ấy nói nhỏ: “Thầy vừa đẹp trai, vừa giỏi…. tụi con gái lớp em hâm mộ thầy lắm đó!”. Tôi hiểu những điều em nói vừa dí dỏm, thân thương nhưng ngân lên trong lòng là sự kính trọng, cảm phục thầy biết bao!

 

    Thầy luôn biết cách khơi thông dòng chảy đam mê khoa học trong mỗi học viên, sinh viên. Với uy tín trong ngành, thầy đã được bầu đảm nhiệm nhiều chức vụ: Đồng trưởng ban tổ chức Hội nghị Quốc tế ATC2011; Phó ban đối ngoại Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam; ủy viên Hội đồng kỹ thuật về viễn thông Hiệp hội phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc tế tại Thụy Sĩ; thành viên chính thức của IEEE, IEICE Nhật Bản… Thầy còn tham gia phản biện cho các tạp chí có tiếng trong và ngoài nước; tháng 4/2014, thầy được bầu là Phó chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam. Là Phó Chủ nhiệm Khoa Vô tuyến điện tử, dưới góc độ là giáo viên giảng dạy nhiều năm liền thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua, đạt nhiều giải thưởng bài báo, công trình nghiên cứu… Với thành tích xuất sắc ấy, năm 2009 thầy vinh dự được phong học hàm Phó giáo sư.

 

    Cầm tờ lịch tôi lật sang trang của một ngày mới, biết rằng mỗi ngày trôi qua thầy nhọc nhằn, suy tư hơn bên từng trang giáo án của cuộc đời. Cần lắm những trái tim dành hết tâm huyết, trí tuệ, tình thương cho học trò và sự trao gửi yêu thương ấy thông qua điệp khúc thấm đượm âm hưởng  khoa học sẽ viết lên cho đời bản nhạc giai điệu của những lời ca hạnh phúc. Cứ thế, thầy đã thắp sáng vào lớp lớp học trò một bằng thứ ánh sáng kỳ diệu mang màu xanh hy vọng như những vì sao lung linh tỏa ánh sáng cho đời.

                                                                                                                                    Nguyễn Thị Kim Anh