Người thầy mặc áo lính

    Người ta không có quyền lựa chọn được sinh ra nhưng có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình. Trong xã hội mở và đa chiều ngày nay, việc lựa chọn lối sống giản dị, thanh liêm không nhiều người nhận thức được, và trong số những người nhận thức được không nhiều người thực hiện được. Một trong số ít những người làm được việc đó là một giáo viên, một người lính, một đảng viên, một người chỉ huy nơi tôi đang công tác, Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị - Học viện Kỹ thuật Quân sự.

    Là một giáo viên. Anh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của một người thầy có tác động quan trọng đối với người học trong mối quan hệ nhân quả và khẳng định thầy “dạy tốt” mới có trò “học tốt”. Anh cho rằng thầy luôn phải là một tấm gương về mọi mặt để học viên, sinh viên học tập và noi theo. Anh đồng tình với phương châm dạy và học theo hướng phát huy sự sáng tạo của người học và khẳng định nếu thầy không có sức sáng tạo, lười nhác, không tự học, không cải tiến phương pháp giảng dạy, chỉ loanh quanh kiến thức có trong tài liệu, giáo trình thì nên xem lại, nên xin nghỉ dạy để không “tra tấn” học viên khi đứng lớp.

    Không chỉ dừng lại ở những suy nghĩ, trăn trở, anh còn là một người luôn giữ nguyên tắc “nói và làm”. Trong giảng dạy, thái độ hết lòng vì người học, vì chất lượng đào tạo và công bằng trong thi cử luôn được duy trì và trở thành nguyên tắc nghề nghiệp. Bên cạnh đó, anh không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng bài giảng. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm anh viết và đăng khoảng 15 bài báo trên các tạp chí khoa học có uy tín trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hàng năm, anh đều đề xuất hoặc tham gia đề tài NCKH các cấp, tham gia hướng dẫn học viên NCKH; các đề tài nghiên cứu luôn hoàn thành đúng tiến độ và được đánh giá cao. Trăn trở với nội dung các môn học được đảm nhiệm, anh tích cực, chủ động đề xuất và biên soạn giáo trình, tài liệu và một số sách chuyên khảo như: Lịch sử Đảng bộ Học viện giai đoạn 1966 - 2006; Đảng lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước; Đảng lãnh đạo quá trình xây dựng và phát triển của bộ máy hành chính nhà nước…

    Là một người lính. Ở phương diện này tôi muốn mọi người nhìn nhận anh dưới góc độ một người lính, một anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại mới. Chúng ta đều biết, nói đến Bộ đội Cụ Hồ là nói đến những phẩm chất cao đẹp trong lối sống, phong cách, hành vi chính trị, đạo đức của quân nhân quân đội cách mạng. Bộ đội Cụ Hồ là những người có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy; tinh thần gan dạ, dũng cảm kiên cường, mưu trí và sáng tạo; tình đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân dân cá nước; tính kỷ luật tự giác nghiêm minh... Không có điều kiện để soi rọi tất cả những điều kể trên ở một người lính như anh, nhưng chỉ với một số phẩm chất mà anh thể hiện như: ngay thẳng trong công việc; giản dị, lành mạnh trong lối sống; kiên định, dũng cảm trong việc bảo vệ lẽ phải cũng đủ để khẳng định anh là một trong các hình mẫu của anh Bộ đội Cụ Hồ trong điều kiện hiện nay.

    Là một đảng viên. Là người chỉ huy Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị, hơn ai hết, anh hiểu và luôn bám sát định hướng của Đảng, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Anh luôn đề cao ý thức trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện; xây dựng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh của người đảng viên. Với “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, anh không những quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 (NQTƯ4) khóa XI mà còn đi sâu nghiên cứu đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện nghị quyết như: Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về nguy cơ nguy hiểm của những suy thoái, yếu kém; đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Với lập trường tư tưởng vững vàng, với ý chí kiên trung, bằng những hành động cụ thể, anh đã thể hiện tính tiên phong và gương mẫu của một người đảng viên chân chính.

    Là một người chỉ huy. Anh khá chuẩn mực về tác phong quân sự nhưng lại không cứng nhắc trong công tác chỉ huy. Anh ít sử dụng mệnh lệnh mà thay vào đó là dùng uy tín và biện pháp nêu gương trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Thực tế cho thấy hiệu quả của phong cách lãnh đạo chỉ huy mà anh thực hiện và duy trì đã giúp đơn vị ổn định tổ chức, đoàn kết và có được không khí làm việc cởi mở, thân thiện. Là người chỉ huy đơn vị, với rất nhiều công việc phải quan tâm, đồng thời vẫn tham gia giảng dạy với khối lượng công việc không hề nhỏ, nhưng anh vẫn đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh, trình độ chuyên môn cũng như những mặt ưu, khuyết điểm, hạn chế của từng người. Tranh thủ thời gian, anh luôn nhiệt tình giúp đỡ các giáo viên trẻ trong việc xây dựng nội dung bài giảng, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm.

    Không chỉ là một giáo viên, một người lính, một đảng viên, một người chỉ huy mà anh còn là một đồng đội, một người anh, một người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ và động viên thế hệ trẻ chúng tôi trong học tập, công tác và rèn luyện bản thân. Anh xứng đáng với nhiều danh xưng nhưng tôi xin không nêu một danh xưng nào về anh, bởi lẽ, như anh vẫn nói, "nỗ lực và cố gắng trong việc thực hiện công việc của mình là nhu cầu, là trách nhiệm chứ không chỉ là nghĩa vụ; để rồi nếu được mọi người tín nhiệm, được khen thưởng, được biểu dương thì đó là hệ quả chứ không phải là mục đích của những nỗ lực và cố gắng đó". Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúc anh, một người thầy mặc áo lính, mãi giữ vững được tinh thần, nhiệt huyết với con đường, với lối sống mà mình đã chọn để luôn là điểm tựa, là tấm gương để mọi người và thế hệ trẻ chúng tôi học tập và noi theo.

                                                                                                 Nguyễn Thị Kim Thoa