Thông báo

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 31794

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 224880

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9241347

Liên kết

đồ phượt giá rẻ

Tính năng

dung cu co bac bip

Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

Sống vì ngày mai tươi đẹp của Tổ quốc

Thứ ba - 01/03/2016 21:29

“Sống để yêu thương và dâng hiến”…. những dòng chữ ấy lướt qua mắt tôi và ngưng lại, một chút ám ảnh, một chút xúc cảm ùa về cuốn tôi theo những dòng suy nghĩ về tình yêu, về sự hiến dâng của tuổi trẻ thời chiến tranh khốc liệt. Tình yêu không có tuổi và sự dâng hiến cũng không bao giờ già nua theo năm tháng. Bởi sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…. đã trở thành triết lý sống của thanh niên một thời đạn bom và máu lửa.

    Chiến tranh đã qua đi, thế hệ chúng tôi lớn lên chỉ cảm nhận được thời oanh liệt hào hùng của cha ông qua trang sách, qua những câu chuyện lịch sử. Hình ảnh những chàng trai trẻ xếp bút nghiên viết huyết thư tình nguyện lên đường chiến đấu với những cuộc chia ly “chói ngời sắc đỏ, tươi như ánh nhạn lai hồng” của “em hậu phương” gửi “anh nơi tiền tuyến” và “tiếng hát át tiếng bom” cất lên giữa đau thương mất mát…. tất cả đã làm dậy sóng thi ca cách mạng với một âm hưởng trầm hùng, bi tráng. Những thanh niên thời chiến họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã hi sinh cái tôi cá nhân cho cái tôi của dân tộc được hồi sinh và trường tồn vĩnh cửu.

    Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, con người sống và khao khát sống đến mãnh liệt. Sống không phải là sự tồn tại đơn thuần mà sống là để “yêu thương và dâng hiến”. Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Kim Giao, v.v… tên tuổi các anh các chị đã hóa thành tên đất nước. Các anh các chị đã chiến đấu và kiên cường ngã xuống, trở về với lòng đất mẹ khi mới tuổi thanh xuân…. để lại một tình yêu chưa trọn vẹn, một sự nghiệp còn dang dở… Thế hệ thanh niên chúng tôi nguyện theo dấu chân các anh các chị viết tiếp nên lý tưởng sống của những người trẻ dám nói, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

    Giữa mưa bom bão đạn, giữa máu và nước mắt, giữa cái chết trực chờ, tâm hồn người lính cần lắm những khoảng lặng cho yêu thương ùa về. Những khoảng lặng đó dẫu ngắn ngủi dẫu vội vàng nhưng rất chân thực. Tôi rất thích câu nói: “bạn hãy sống như ngày mai bạn phải chết”, bởi lúc đó khát vọng sống trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết và có lẽ đó cũng là lúc con người sống thật nhất, thật với mọi người và thật với chính mình.

     Những lá thư thời chiến còn lại với thời gian là minh chứng bất tử cho những ước mơ, khát vọng và tình yêu sống chân thực đó. “Sống để yêu thương và dâng hiến” là tập hợp 39 lá thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao những ngày xa gia đình, xa người yêu lên đường phục vụ kháng chiến. Những trang thư của anh đã bước ra ngoài trang giấy và trở thành những trang đời bất tử – nơi mà ở đó tái hiện được cả cuộc chiến tranh ác liệt của nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược – nơi đó da diết tình yêu và nỗi nhớ - nơi đó bùng lên ngọn lửa của khát vọng được học tập và say mê cống hiến cho khoa học quân sự – nơi đó người chiến sĩ đã lựa chọn “cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ, hay trốn tránh những hy sinh cần thiết”.

    Trong 39 lá thư liệt sỹ Hoàng Kim Giao viết cho bố mẹ, cho gia đình, cho người yêu – người vợ sau này của anh có 11 lá thư anh gửi cho em gái Hoàng Liên Thái khi cô đang học tập ở nước ngoài. Đây là những lá thư thể hiện rõ nhất triết lý sống với khát vọng được cống hiến cho khoa học, được dâng hiến tuổi thanh xuân và trí tuệ cho những đam mê nghiên cứu, sẵn sàng đương đầu với thách thức khó khăn của chiến tranh để nhận mọi nhiệm vụ xả thân cứu nước.

    “Em phải luôn nhớ rằng em học tập trong hoàn cảnh đất nước chúng ta có chiến tranh, nhân dân ta phải chịu những hy sinh to lớn, những em bé phải xa cha mẹ, mọi người không đứng trên mặt trận sản xuất thì đứng trên mặt trận chiến đấu, khi trên đất nước chúng ta phải đổ máu, những cuộc chiến đấu kiên trì, thầm lặng cũng xảy ra khắp nơi. Em phải nhớ điều đó để đừng bao giờ sống bàng quan trước nhiệm vụ, sống ngớ ngẩn giữa chốn xa hoa, phải sống xứng đáng với nhân dân, với Tổ quốc”. (Lá thư số 25)

    “Vì ngày mai tươi đẹp của Tổ quốc – ngày mà những em bé được sống với sự ấp ủ của mẹ cha trong những ngày lạnh giá, ngày mà những nam nữ thanh niêm có quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi. Vì ngày mai tươi đẹp đó. Vì những con người hôm nay đang lăn lộn trên chiến hào và trên mâm pháo mà Tổ quốc ta phải chắt bóp để gửi các em đi học ở nước ngoài và để một số bạn em được tiếp tục học trong nước”. (Lá thư số 26)

    Cuộc đời cần có cơm ngon và áo đẹp nhưng cũng cần có cả những nụ hôn, sống không thể thiếu tình yêu nhưng những con người thời chiến biết chấp nhận chia ly vì “khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”. Mỗi người “chiến đấu” trên một “mặt trận” nhưng đều vì đất nước mà dâng hiến. Chàng trai Hoàng Kim Giao tạm xa mối tình đầu với cô hàng xóm để lên đường vào chiến trận mang theo cả tình yêu mới chớm nở với bao nhớ thương vơi đầy. Cô em gái Hoàng Liên Thái phải tạm biệt cha mẹ, tạm xa quê hương đến nơi đất khách xa xôi vì nhận nhiệm vụ đi nghiên cứu. Biết bao người phải chia tay mà không có ngày đoàn tụ, nhưng vì ngày mai tươi đẹp của Tổ quốc họ vẫn sẵn sàng lên đường. Phảng phất trong tâm can có chút hoài nghi bối rối nhưng cuối cùng đọng lại một niềm tin cháy bỏng vào ngày mai:

    “Có phải những gợn sóng cứ loang mãi, loang mãi để rồi không ai còn có thể tìm được viên đá đã rơi chỗ nào trên mặt nước, có phải thế không em?

    “Con người của thời đại, nhất là thời đại chông Mỹ của ta phải biết đứng vững trong hiện tại và vươn tới tương lai. Ta thấy ở dĩ vãng những kỷ niệm dạy ta biết yêu thương nhưng ta cũng phải thấy ở ngày mai chân trời rực rỡ” (Lá thư số 30)

    Năm tháng và sự tàn khốc của chiến tranh càng thổi bùng lên ngọn lửa của tin yêu, những chàng trai cô gái thời kháng chiến chống Mỹ luôn nghĩ tới ngày sum họp:

    “Những tình cảm yêu thương thúc giục, động viên anh, dù đói rét anh vẫn thấy cháy trong lòng hơi ấm của ngọn lửa yêu thương. Những lúc khó khăn, cô đơn, anh lại nghĩ tới ngày sum họp…” (Lá thư số 32)

    Dẫu tuổi đời mới đôi mươi, nhưng họ đã vượt qua tư tưởng cá nhân vị kỷ để xây dựng cho mình tư tưởng mang tầm vóc thời đại:

    “Không được sống với những vui buồn riêng tư, tự an ủi bằng những tình cảm yếu đuối. Em phải rèn luyện để có tầm vóc tư tưởng thời đại hiện nay.” (Lá thư số 34)

    Thanh niên thời đại ngày nay thế nào? Thời đại của chúng ta đang và sẽ đi về đâu? Giữa mênh mông của tri thức nhân loại, giữa sự hội nhập phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, giữa những thành tựu của công nghệ hiện đại, những thanh niên “có tầm vóc tư tưởng thời đại” là những người biết sống với ước mơ khát vọng, dám tự tin, tự trọng bước lên phía trước để chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, phụng sự và cống hiến cho đất nước. Cũng có những thanh niên ích kỷ, vụ lợi chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà ru ngủ sự tiến bộ. Thế hệ thanh niên chúng ta là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta cần loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” đó để xây dựng một thế hệ không ngừng học tập và say mê cống hiến. Liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã tha thiết với một tương lai không thể thiếu tri thức:

    “Em sẽ phải suốt đời học tập, suốt đời tìm tòi, suy nghĩ, em sẽ không thể trói buộc em trong những hạnh phúc riêng tư sau này vì chính đó là cơ sở để giải phóng em khỏi gánh nặng trước đây của nhiều phụ nữ. Được học bao nhiêu ở trường tốt bấy nhiêu, vì sau này vẫn phải học mà điều kiện học lại rất thiếu, em đừng bao giờ nghĩ kiến thức học được là thừa. Sau này em sẽ phải ước ao trở lại trường học nếu như bây giờ em phung phí thuận lợi được ngồi ghế nhà trường để học những bộ môn lý thuyết”. (Lá thư số 29)

      Mười năm trước đây, tôi cũng là một cô sinh viên mới ra trường, bỡ ngỡ trước cuộc sống, cũng phải đứng trước những sự lựa chọn cho tương lai và sự nghiệp của mình. Giờ đây, tôi vẫn hàng ngày đến giảng đường đại học nhưng với cương vị là một cô giáo, trong tôi vẫn không ngừng khao khát được học tập và cống hiến. Bởi tôi hiểu rằng, chính tri thức và kinh nghiệm mà tôi có được qua sách vở, qua cuộc sống đã tạo cho tôi sự tự tin, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước mọi thách thức cuộc đời. Tôi không dám nói đến từ “dâng hiến” của thanh niên thời nay nhưng tôi luôn hi vọng và tin tưởng vào một thế hệ thanh niên được trang bị đầy đủ tri thức, sức khỏe sẵn sàng “cống hiến” cho quê hương đất nước thân yêu.

    Năm 1968 sau tiếng nổ định mệnh ấy, chàng trai Hoàng Kim Giao đã ngã xuống, anh đã ra đi mãi mãi, “thân xác anh đã tan vào đất mẹ” nhưng trái tim yêu thương, trí tuệ và khao khát được dâng hiến cho khoa học quân sự, cho hòa bình của dân tộc đã trở thành bất tử. Hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau, chúng tôi vẫn khắc sâu trong tim khát vọng sống, khát vọng được cống hiến của anh – liệt sỹ Hoàng Kim Giao – con người đã sống, đã chiến đấu, đã hi sinh cho lịch sử, cho lời ca tiếng hát được cất lên:

    Có những phút làm nên lịch sử

    Có những cái chết hóa thành bất tử

    Có những lời hơn mọi bài ca

    Co những con người từ chân lý sinh ra

                                          (Tố Hữu)

                                                                                          Nguyễn Thị Hoài Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Phần mềm tác nghiệp

Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT GIA LỘC

 Địa chỉ: Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc