Thông báo

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29


Hôm nayHôm nay : 5060

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 186076

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9001377

Liên kết

đồ phượt giá rẻ

Tính năng

dung cu co bac bip

Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động nhà trường

"Miền xa thẳm" - Cảm xúc còn mãi trong tôi

Thứ tư - 18/05/2016 08:23

        " Xa thẳm, một miền xa thẳm.
Tiếng gọi hồn thiêng núi sông hờ hơ hơ hờ hơ… "

        Câu hát ngân lên như từ sâu thẳm trong tiềm thức của tôi vọng về và mỗi lần nghe bài hát này tôi đều cảm thấy nghẹn lòng, nỗi niềm như vỡ òa, thổn thức theo từng ca từ của bài hát. Những giọt nước mắt tiếc thương, đau xót và đầy lòng biết ơn cứ chảy mãi, chảy mãi không sao ngăn được. Xin cảm ơn nhạc sĨ Đức Thịnh đã cho tôi được thưởng thức một nhạc phẩm hay, có sức lay động và đi vào lòng người đến thế.

        Tôi được biết và tìm hiểu về bài hát này đúng vào dịp tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng Kỷ niệm 45 năm ngày Truyền thống Học viện KTQS Anh hùng. Hòa trong không khí thi đua, tưng bừng, phấn khởi của một ngày hội lớn, mỗi đơn vị trong Học viện, mỗi thành viên trong Học viện đều ra sức cố gắng, ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao góp sức dệt lên một bức tranh thi đua đầy màu sắc. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và Phòng Chính trị cũng đưa ra rất nhiều hình thức thi đua nhưng có lẽ Hội diễn văn nghệ quần chúng là có sức lan tỏa sâu rộng nhất bởi nó đi vào trái tim của mỗi cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong toàn Học viện. Đội văn nghệ Liên phòng của tôi lúc đó gồm: Phòng Đào tạo, Phòng Sau Đại học, Phòng Tài chính, Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo. Do thời gian tập văn nghệ và thời gian xử lý các công việc thường niên diễn ra song song, mặt khác mỗi đơn vị có một nhiệm vụ, một công việc với những đặc thù riêng nên để sắp xếp, bố trí thành viên của 04 phòng đầy đủ trong một buổi tập là rất khó khăn. Tập ngoài giờ lại càng khó khăn gấp bội bởi đa phần anh chị em đều có gia đình và con nhỏ… Chính vì vậy, những người được cử tham gia trong đội văn nghệ phải phát huy tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm rất cao để vừa hoàn thành nhiệm vụ mà mình đảm nhiệm, vừa hoàn thành tốt việc tập văn nghệ bởi đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị được đặt ra tại thời điểm đó.

 

                                 

 

        Tôi và đồng chí Thắm, Tổ hội trường được Thủ trưởng Phòng điều động bổ sung thêm vào đội văn nghệ. Chúng tôi được phân công vào đội múa. Đội múa lúc đó gồm: Đồng chí Thu, Huyền - P2; Đồng chí Lan Thanh, Liên - P7; Đồng chí Hải Anh, Hương - P9, Đồng chí Nhật, Lan Anh - P13. Thời điểm này đồng chí Thắm vừa đi huấn luyện quân sự về. Tôi cũng rất bận do đang theo học một Khóa Tại chức tại Trường đại học Mỏ Địa chất nên đã được miễn vào đội văn nghệ. Sau đó, do đội văn nghệ thiếu người nên tôi vẫn phải tham gia bổ sung. Quả thật, mới đầu tôi và đồng chí Thắm rất lo bởi anh chị em trong đội đã tập tương đối thuần thục, thời gian hội diễn lại gần kề. Chúng tôi sợ mình không theo kịp sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung, đến sự cố gắng nỗ lực của cả đội. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của cô Hoa - giáo viên dạy múa và các bạn diễn tôi và đồng chí Thắm đã hòa nhịp nhanh chóng. Khi vào đội văn nghệ, tìm hiểu và biết nội dung bài múa "Miền xa thẳm" tôi thực sự xúc động và thấy rất hứng khởi bởi nội dung bài múa là sự minh họa sống động hình ảnh 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Giờ đây ngồi hồi tưởng và viết lại những điều này tôi thấy cỗ xe thời gian đang quay ngược dòng, tất cả như một thước phim quay chậm, mọi thứ dần hiện lên thật rõ nét trước mắt tôi. Tôi như được sống lại không khí tưng bừng của hội diễn. Có lẽ tôi và các bạn đồng trang lứa may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, không còn tiếng súng, không còn khói lửa của chiến tranh. Chúng tôi chỉ hiểu về chiến tranh qua lời kể của bà, của mẹ, qua những tác phẩm văn học và qua những thước phim đầy tính thời sự. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng tôi hiểu một điều sâu sắc rằng, nỗi đau chiến tranh sẽ không bao giờ nguôi trong đời sống của người dân Việt Nam bởi dư âm của nó vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình Việt Nam. Giờ đây được hóa thân vào cô gái Đồng Lộc, trong tâm trí tôi những hình ảnh về bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" lại hiện lên vô cùng sắc nét. Mở đầu là một khung cảnh thanh bình nơi chiến trường, đâu đó là tiếng cười đùa hồn nhiên, trong trẻo; là những phút lãng mạn hái hoa, bắt bướm; là những lúc thẹn thùng bên phong thư viết vội; rồi lại có những khoảnh khắc trầm tư bộc bạch về gia đình, về người yêu, về mộng ước tương lai; những ước mơ bình thường dung dị về một ngày hòa bình được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ, được mẹ gội đầu bằng nước bồ kết ướp hương bưởi thơm lừng; được ăn bữa cơm đoàn viên với canh cua, cà muối; được gặp người mình thương nói nốt những điều còn dang dở… Biết bao nhiêu ước mơ nhưng mọi thứ đều nằm lại, đều bị vùi lấp bởi bom đạn chiến trường. Tiếng súng như phá tan bầu trời, phá tan màn đêm yên tĩnh, không khí thanh bình biến mất thay vào đó là cảnh hỗn loạn của chiến tranh. Tất cả như hối hả dồn dập, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng cuốc xẻng đào hầm, san đường cho xe qua tiền tuyến, tiếng va đập của vũ khí, tiếng chỉ huy dứt khoát trong nhịp thở dồn dập. Tất cả những âm thanh đó nói lên sự ác liệt của chiến tranh đồng thời cũng như một phương châm hành động "Tất cả hy sinh vì tiền tuyến". Thật đáng tự hào nhưng cũng thật xót xa bởi các chị - những cô gái Đồng Lộc mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Cái tuổi đang độ xuân thì, đẹp nhất của đời người con gái và cũng là cái tuổi đẹp nhất, ghi nhiều dấu ấn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Vậy mà các chị đã hy sinh cả quãng đời thanh thanh xuân của mình để đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Bom đạn chiến tranh đã cướp đi sự sống, xương máu của các chị đã hòa vào lòng đất mẹ góp phần làm nên màu xanh cho Đồng Lộc hôm nay. Tôi chắc một điều rằng trước lúc ra đi các chị cũng mang trong mình những ước mơ, hoài bão và biết bao dự định cho mai sau. Các bạn có đồng ý vậy không? Chúng ta hãy cùng suy ngẫm nhé!

 

                                 

       

        Và có lẽ hình ảnh "Ngã ba Đồng Lộc " đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt Nam yêu nước. Hình ảnh 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc như mười ngọn đuốc rực sáng, cứ cháy mãi trong tâm khảm mỗi người. Vì thế mà chúng tôi đã hóa thân vào hình ảnh 10 cô gái Đồng Lộc thật ngọt, thật dung dị, hồn nhiên, vui tươi nhưng cũng đầy bi tráng. Và một điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi 10 chị em chúng tôi tập bài múa "Miền xa thẳm", chỉ là tập thôi, không ánh đèn sân khấu, không phục trang, không khói lửa phụ họa nhưng những người đứng xem chúng tôi múa, anh chị em trong đội hát, đã lặng đi bởi bài múa thiêng liêng và xúc động quá. Tôi còn nhớ như in hình ảnh đồng chí Nhung - Phòng Sau Đại học - không biết bao nhiêu lần phải đưa tay lên chấm những giọt nước mắt dù cho chị có xem chúng tôi múa một lần, hai lần hay mười lần vẫn thế. Xin cảm ơn chị rất nhiều bởi những giọt nước mắt của chị là động lực khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi tập hăng say hơn, nhập tâm hơn với quyết tâm tiết mục múa của chúng tôi sẽ được công diễn. Mục đích công diễn của chúng tôi không phải vì giải thưởng mà cao hơn hết là mong muốn truyền thông điệp về sự hy sinh cao đẹp của 10 cô gái Đồng Lộc đến hàng vạn con tim của toàn thể cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Học viện. Đặc biệt là muốn truyền bầu nhiệt huyết này vào các em học viên, sinh viên dưới mái trường Học viện Kỹ thuật Quân sự thân yêu. Rồi đây các em sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, những người luôn mang trong mình nhiệt huyết và hoài bão đem sự hiểu biết về văn hóa, khoa học kỹ thuật vào công việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các em hãy biết tưởng nhớ quá khứ để sống vì hiện tại và tương lai cho có ý nghĩa, để linh hồn những người đã hy sinh sẽ thanh thản, siêu thoát khi những người còn lại và lớp kế tục không ngừng xây dựng và phát huy những gì dân tộc đã giành được. Các bạn biết không? 10 chị em chúng tôi hiểu về Đồng Lộc và rất xúc động về những điều mà chúng tôi đang khắc họa. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng nếu chúng tôi xúc động quá mức chúng tôi sẽ không thể làm tốt được điều đó bởi khi người ta xúc động quá mức sẽ làm người đối diện bối rối và không hiểu mình đang muốn diễn tả điều gì. Chính vì vậy, chúng tôi đã phải cố kìm nén sự xúc động để nuốt những giọt nước mắt chảy lặn vào trong tim. Chúng tôi quyết thể hiện những giọt nước mắt đó bằng hành động, để chúng tôi không khóc nhưng người xem sẽ cảm nhận được trong hành động của chúng tôi là nhưng giọt nước mắt và cùng tan chảy theo. Vẫn biết quyết tâm là như thế nhưng có lẽ bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" và bài thơ "Cúc ơi" cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi, sự ám ảnh đó theo tôi vào giấc ngủ. Chính vì vậy khi khoác trên mình bộ quần áo lính, với mũ tai bèo, với khăn rằn, hình ảnh nữ thanh niên xung phong mờ ảo hòa trong ánh đèn sân khấu, với âm thanh, với khói lửa mịt mùng tôi cứ nghĩ mình đang sống trong thời chiến thực sự. Xúc động nhất là khi diễn cảnh đồng chí Hải Anh (P9) - Đồng đội của tôi đang làm nhiệm vụ bị trúng đạn, ôm ngực ngã xuống thì tất cả như vỡ òa. Chúng tôi lao theo trong nỗi đau đớn tột cùng, những cái lay gọi, những mái đầu xanh rung rung gục xuống xác đồng đội, những bàn tay giơ lên, những ánh mắt thất thần trên gương mặt vô hồn, đờ đẫn. Không gì bi thương hơn! Thế mới hiểu những người lính khi chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh ngay bên mình, trên tay mình sẽ đau đớn đến thế nào. Chúng tôi lần lượt ôm người đồng đội dũng cảm của mình vào lòng như muốn lay gọi, muốn truyền hơi ấm cho bạn tỉnh lại nhưng vô vọng. Và khi lần cuối cùng ôm đồng đội trên tay để đưa về nơi an nghỉ vĩnh hằng thì tôi không kìm nổi nữa, mọi thứ như vỡ òa, nức nở, tức tưởi. Vẫn biết chỉ diễn thôi, bạn tôi - Hải Anh - nằm đấy, mắt nhắm đấy nhưng vẫn sống, vẫn thở đều đều, cơ thể vẫn ấm trong vòng tay mình mà sao không kìm nén được. Và tôi nghĩ, bạn Hải Anh nằm đấy cũng cảm nhận được những tiếng thổn thức đó, bởi nó gần và rõ lắm. Khi chúng tôi kết thúc bài múa là những tràng pháo tay đồng loạt vang lên nhưng trên hết đâu đây dưới hàng ghế khán giả rất nhiều các cô, các chị đang thổn thức, dường như xúc động đó vẫn đang còn hiện hữu trên những khuân mặt xinh đẹp. Chúng tôi thấy sung sướng, hạnh phúc trào nước mắt bởi chúng tôi - những người nghệ sĩ không chuyên nhưng chúng tôi đã diễn bằng cả tâm hồn và trái tim của mình. Chúng tôi đã làm được một điều tuyệt vời mà bất kỳ người nghệ sĩ chân chính nào đứng trên sân khấu đều ao ước là chạm vào trái tim khán giả. Những giọt nước mắt của các cô, các chị như giúp chúng tôi nói lên điều đó. Và một điều cũng rất đáng tự hào là trước buổi diễn của ngày hôm sau, trên màn hình của hội trường S5 đã phát bài múa "Miền xa thẳm" của chúng tôi để mọi người cùng cảm nhận lại và cùng suy ngẫm. Những ngày sau đó, dư âm về Đồng Lộc vẫn cứ cháy mãi, chúng tôi đi đâu, đến Phòng, Ban nào trong Học viện cũng thấy nói về Đồng Lộc và mọi người gọi chúng tôi bằng cái tên rất đỗi yêu thương "Cô gái Đồng Lộc". Thật tự hào biết bao, tuy không nói ra nhưng mười chị em trong đội múa chúng tôi đều cảm thấy thật may mắn, thật vinh dự khi mình được tham gia, được thể hiện trong một tác phẩm giàu tính nhân văn và có chiều sâu như vậy. Để có được những khoảnh khắc đáng trân trọng như thế, tôi xin cảm ơn thầy Xây và cô Hoa - Giảng viên của Trường Đại học Văn Hóa Nghệ thuật Quân đội - những người đã dàn dựng và biên đạo ra nội dung bài múa sâu sắc, đi vào lòng người và có nhiều đất diễn như thế. Tôi cũng xin cảm ơn Lãnh đạo Chỉ huy Phòng Đào tạo, Phòng Sau Đại học, Phòng Tài chính, Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo đã ủng hộ kinh phí và tạo điều kiện để chúng tôi hoàn thành xuất sắc bài múa này. Đồng thời tôi cũng xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và Phòng Chính trị đã tổ chức một sân chơi nghệ thuật đầy tính sáng tạo như vậy. Tôi mong ước rồi đây ngôi trường Học viện Kỹ thuật Quân sự anh hùng sẽ có thêm nhiều sân chơi bổ ích như thế để anh em cán bộ, nhân viên, chiến sĩ chúng tôi có được một không gian thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, sau những giờ học miệt mài với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và khát vọng chinh phục những đỉnh cao; để chúng tôi có những khoảnh khắc, những kỷ niệm đáng trân trọng bên đồng nghiệp của mình và cũng để chúng tôi được thỏa sức tạo hình, thỏa sức sáng tạo, để được khóc, được cười, được sống, chết cùng nhân vật. Điều đó làm tâm hồn chúng tôi phong phú, tươi trẻ và có sức sống, khát vọng sống mãnh liệt hơn.

        Khi tôi ngồi viết những dòng này, cảm xúc trong tôi lại ùa về và một mùa tri ân nữa lại đến. Kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại các mốc lịch sử trọng đại của dân tộc, về truyền thống và tinh thần đoàn kết, yêu nước. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã giúp chúng ta giành chiến thắng trong chiến tranh, vững vàng trong xây dựng kinh tế thời bình. Đây cũng chính là dịp để lớp trẻ chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của dân tộc, ghi ơn và tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. Tôi thầm có một ước mong nho nhỏ, ước một lần được trở về Đồng Lộc, về ngã ba năm xưa để thắp một nén nhang tưởng nhớ các chị. Vì sự hy sinh ấy đã cho chúng tôi cuộc sống bình yên hôm nay. Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm cho màu cờ Tổ quốc. Xin các chị hãy yên lòng. Cầu mong hương hồn các chị được yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của đất mẹ. Chúng tôi - Thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ cố gắng tỏa sáng, sẽ thắp lên những ước mơ chinh phục đỉnh cao khoa học kỹ thuật, đưa Việt Nam thành một nước văn minh, hiện đại, xứng tầm với bè bạn năm châu để xương máu các chị đổ xuống không phải là vô ích. Và để thế hệ trẻ chúng tôi luôn ngẩng cao đầu tự hào khi nói rằng "Tôi là người Việt Nam".

        Xin một phút tưởng niệm nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

                                                                                                                         Hà Mai Hương - P2


QC: giày dân phượt | túi ngủ đi phượt | balo phượt hcm | leu thay di dong | giá đỡ điện thoại xe máy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Phần mềm tác nghiệp

Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT GIA LỘC

 Địa chỉ: Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc