Thông báo

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 25


Hôm nayHôm nay : 5010

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 115413

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 9131880

Liên kết

đồ phượt giá rẻ

Tính năng

dung cu co bac bip

Trang nhất Trang nhất Tin Tức Trang nhất Hoạt động chuyên môn

Người thầy của những đam mê

Thứ tư - 02/03/2016 23:49

    Tôi nhớ có lần vô tình xem được một bộ phim hoạt hình của Nhật, bộ phim kể về cuộc sống đầy ý nghĩa của một chú gấu cứ ám ảnh mãi trong tôi… Đặc biệt nhất là khi chú gấu rủ bạn đứng lên tảng đá để ngắm sao, chú đã nói với bạn: “Chỉ cao thêm một chút nhưng đã gần hơn với bầu trời”. Câu nói đó như một tiếng chuông thức tỉnh, lay động tâm trí khiến tôi miên man trong những dòng suy nghĩ về những “tảng đá cuộc đời” - những thách thức, khó khăn mà con người phải đối mặt trong cuộc sống này. Ai có đủ sự tự tin người đó có thể bước lên phía trước, ai có đủ dũng cảm người đó bước qua được nỗi lo sợ, ai có đủ yêu thương thì trái tim người đó bớt chật chội và ai có đủ ý chí người đó sẽ tìm thấy những con đường… Với tôi, người có đủ tự tin, đủ dũng cảm, đủ yêu thương và ý chí đó là một người bạn, người anh, người thầy tôi vẫn thầm cảm phục - thầy Nguyễn Quốc Định - người thầy đã cháy hết mình cho những đam mê.

    Đã nhiều lần tôi luôn tự hỏi, tại sao những con người “vĩ đại” lại xuất thân từ những điều quá đỗi bình thường, một người nông dân không qua trường lớp trở thành một nhà sáng chế, một cậu học trò nghèo trở thành thủ khoa đại học, một thiên tài âm nhạc lại chính là một “người khuyết tật”… Điều đó chẳng thể lý giải bằng quy luật bù trừ hay định luật bảo toàn năng lượng, bởi “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” và chính “những tảng đá cuộc đời” sắc nhọn kia đã đào tạo nên những con người dám sống với những đam mê: “Thế giới thuộc về những ai sống có nhiệt huyết, say mê và có khát vọng cháy bỏng.” (Ralph Waldo Emerson) và “nếu trong bạn trước giờ vẫn chưa có được ngọn lửa đam mê thắp sáng, thì bạn phải thổi bùng nó lên.” (Vince Lombardi). Đi tìm ẩn số cho bài toán đó, tôi đã gặp thầy Nguyễn Quốc Định - giáo viên Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật vô tuyến, Khoa Vô tuyến điện tử - người đã, đang và sẽ cháy hết mình với ngọn lửa đam mê cuộc đời.

 

    Là con trai thứ trong một gia đình có 4 chị em, mẹ là nông dân, bố nghỉ mất sức, Nguyễn Quốc Định đã có một tuổi thơ chẳng mấy êm đềm… Đúng năm 1991, khi anh mới lên 10, bố mắc trọng bệnh phải nghỉ hưu sớm với đồng lương ít ỏi, người mẹ hiền tần tảo cũng không đủ nuôi 4 chị em ăn học, lại thêm thuốc thang chạy chữa cho bố nên chị gái anh phải thôi học và chấp nhận xuống Hà Nội làm giúp việc kiếm tiền phụ mẹ. Ước mơ cho con cái được cắp sách đến trường cũng trở nên cao sang với gia đình anh. Thấy hoàn cảnh gia đình anh gieo leo như cây non trước giông bão cuộc đời, người bà con hảo tâm đã đưa anh xuống Hà Nội và giúp anh thỏa ước mơ đèn sách. Thương bố mẹ bao nhiêu, anh thương chị gái bấy nhiêu và đêm ngày quyết tâm học hành. Sáng trí sáng lòng lại thêm quyết tâm cao, anh luôn là học sinh giỏi của trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh và thi đỗ vào Học viện KTQS với điểm số cao.

 

    Bước chân vào Học viện KTQS như nắng hạn gặp mưa, chàng học viên trẻ được tiếp xúc với những người thầy tâm huyết, lại có một môi trường thuận lợi cho anh say mê học tập và nghiên cứu. Chàng học viên năm nhất Học viện KTQS đã giành giải nhì Olympic Toán toàn quân năm 2000, nhận học bổng Lê Quý Đôn năm 2001 và là học viên duy nhất của Học viện KTQS được học bổng toàn phần của chính phủ Nhật sang học tại Đại học Phòng vệ Nhật Bản khóa học 2001-2006.

 

    Ngay từ những ngày đầu học tập nơi đất khách xa xôi, chàng thanh niên đầy nhiệt huyết đã tham gia sôi nổi các hoạt động phong trào của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) ngay từ những ngày đầu thành lập. Thời gian đã trả lời cho những nỗ lực của anh khi được nhận tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, Khoa Điện tử Viễn thông của trường Đại học Phòng vệ Nhật Bản năm 2006. Nguyễn Quốc Định trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhà trường chuyển tiếp lên học thạc sĩ. Những năm tháng du học tại Nhật Bản vất vả là thế nhưng lòng anh vẫn canh cánh nỗi niềm về gia đình, như một sức mạnh vô hình sát cánh bên anh càng thổi bùng lên trong chàng trai trẻ khao khát được học tập và say mê cống hiến. Từ năm 2006 đến 2008, anh tham gia tích cực các hoạt động và là đồng tổ chức các sự kiện của Ban Đối ngoại, Ban Văn hóa, Ban Thể thao của VYSA. Tháng 12/2007, anh tham gia tổ chức Đại hội VYSA toàn quốc. Là người đồng tổ chức sự kiện nghiên cứu về Trường Sa Việt Nam tại Nhật Bản tháng 1/2008. Tháng 4/2008, anh trở Việt Nam và tới Quảng Bình trao học bổng của hội VYSA cho học sinh nghèo chịu ảnh hưởng của bão Chanchu. Tháng 6/2008, anh tổ chức giao lưu văn hóa giữa Hội Thanh niên, Sinh viên với các nước Asean. Tháng 7/2008, anh đã đạo diễn chương trình Cuộc thi tiếng hát Thanh niên Sinh viên Việt Nam trên toàn Nhật Bản. Tháng 8/2008, anh tổ chức Đại hội Thể thao giữa các Hội Thanh niên Sinh viên Asean. Tháng 9/2008, anh được giao trọng trách là Phó trưởng ban tổ chức của VYSA tham gia lễ hội kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Nhật - Việt, đồng thời là thành viên Ban tổ chức phía Chính phủ Việt Nam. Cũng thời gian này, anh kêu gọi ủng hộ và quỹ học bổng VYSA đã được nhân rộng. Năm 2008, niềm vui lại đến với anh khi nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ với thành tích xuất sắc (100% các môn học đạt điểm xuất sắc) và lại được chuyển tiếp nghiên cứu sinh với học bổng toàn phần.

 

    Những cống hiến của anh cho NCKH, cho công tác thanh niên và các hoạt động từ thiện đã được ghi nhận với những con số ấn tượng. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, anh viết nhiều bài báo khoa học và được chọn là 1 trong 30 bài báo xuất sắc nhất của Hội thảo Quốc tế về Anten tại Đài Loan vào tháng 10/2008. Anh được nhận Bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản cho những đóng góp trong phong trào Thanh niên, Sinh viên vào năm 2008. Năm 2009 nhận giải thưởng “Sao tháng giêng” của TW Đoàn TNCSHCM. Anh là 1 trong 2 người được nhận giải thưởng “Nghiên cứu trẻ xuất sắc nhất Nhật Bản” năm 2010 dành cho các nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi trên toàn Nhật Bản. Năm 2011, anh nhận tấm bằng tiến sĩ với 100% điểm số xuất sắc và về đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Bộ môn Cơ sở Kỹ thuật vô tuyến, Khoa Vô tuyến điện tử, Học viện KTQS.

 

    Trở về với gia đình, với quê hương đất nước, với Học viện KTQS - nơi đã cho anh điểm tựa để có thể nâng được cả bầu trời ước mơ khát vọng, anh vẫn không ngừng phấn đấu và thắp sáng ước mơ NCKH cho lớp lớp học trò. Được giao trách nhiệm là Trưởng phòng thí nghiệm, anh lại tiếp tục với những công trình NCKH và thành lập được các nhóm học viên, sinh viên  đam mê nghiên cứu. Như một người anh thân gần với học trò, thầy Nguyễn Quốc Định đã truyền được ngọn lửa nhiệt huyết tới học viên, sinh viên và trở thành đòn bẩy giúp học trò trên con đường chinh phục những đỉnh cao khoa học.

 

    Năm học 2013 - 2014, thầy tham gia giảng dạy và NCKH với 2.701 giờ quy đổi. Dù tham gia giảng dạy cho nhiều đối tượng từ sinh viên cao đẳng, học viên và sinh viên đào tạo dài hạn, đến các nghiên cứu sinh nhưng với thầy Định, NCKH như một niềm vui trong cuộc sống. Hiện, thầy Định đang hướng dẫn 02 nghiên cứu sinh, nhiều học viên cao học và đại học. Trong năm học 2013 – 2014 thầy đã công bố 18 bài báo khoa học, viết 02 giáo trình chính sử dụng cho đào tạo, chủ nhiệm 01 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp nhà nước, 01 đề tài cấp Học viện đã nghiệm thu với đánh giá xuất sắc. Đề tài NCKH của thầy đã được lựa chọn cử đi thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học.  Thầy trực tiếp hướng dẫn 03 đề tài NCKH cho học viên, sinh viên, trong đó có 01 đề tài được nhận Bằng khen và được cử đi thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Thầy được nhận “Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hướng dẫn học viên, sinh viên NCKH năm học 2013 - 2014”. Cũng trong năm học này, thầy đã đồng tổ chức 01 Hội nghị khoa học quốc tế, 02 Hội nghị khoa học cấp quốc gia, mời 06 đoàn chuyên gia nước ngoài đến giảng bài tại Khoa Vô tuyến điện tử. Với danh nghĩa cá nhân, thầy đã tham gia ban tổ chức 03 Hội nghị Khoa học trong nước và quốc tế khác. Đó là những con số mà bất cứ một nhà khoa học hay một giảng viên nào cũng đáng học tập.

 

    Điều khiến tôi ngạc nhiên và khâm phục nhất ở anh là một trái tim, một tấm lòng nhân văn nhân ái. Với danh nghĩa cá nhân, anh đã thành lập “Quỹ học bổng Mạc Đĩnh Chi” với kinh phí cá nhân để trao tặng cho học sinh nghèo vượt khó tại các vùng miền núi. Quỹ học bổng được trao thường niên hàng năm vào các dịp tổng kết năm học và trước Tết Nguyên đán. Anh không phải một triệu phú về tài chính nhưng anh đã trở thành một tỉ phú về tình thương. Tôi hỏi anh cơ duyên nào để anh làm việc đó, anh cười vui mà trái tim tôi như ứa lệ: “Vì ngày xưa anh cũng nghèo khổ như họ em ạ”. Bây giờ tôi càng thấm thía với đề văn nghị luận năm xưa thầy cho: “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Cuộc sống này cần lắm những yêu thương không đòi hỏi, chỉ có tình yêu mới rút ngắn được khoảng cách giữa những con người. Winston Churchill từng nói: “Chúng ta tạo nên cuộc sống từ những điều nhận được, nhưng chúng ta thực sự làm nên cuộc đời chính từ những điều mà chúng ta cho đi”. Với thầy Định, dẫu được nhận từ cuộc đời là những chông gai thì thầy vẫn cho đi những hoa thơm trái ngọt.

 

    Lòng tôi lại dâng trào xúc cảm trong một giai điệu và ca từ đặc biệt của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Gió sẽ cuốn đi trí tuệ và trái tim vĩ đại của người thầy giáo trẻ để thổi bùng lên những ngọn lửa đam mê được học tập, được nghiên cứu, được cống hiến và được yêu thương giữa cuộc đời này - thầy Nguyễn Quốc Định - người thầy của những đam mê.

 

                                                                                                              Nguyễn Thị Hoài Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Hình ảnh

Video

Văn nghệ

Phần mềm tác nghiệp

Thông tin

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG THPT GIA LỘC

 Địa chỉ: Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc